Lịch sử hoạt động Mikoyan-Gurevich MiG-25

Trinh sát không phận Israel

Buồng lái MiG-25

MiG-25 đã lập 29 kỷ lục thế giới, trong đó có kỷ lục độc đáo chưa bị phá cho đến đầu thế kỷ 21 là độ cao bay trên máy bay lắp động cơ phản lực. Ngày 21/8/1977, phi công thử nghiệm А. Fedorov đã bay MiG-25 lên tới độ cao 37.650 m so với mặt đất.

Khi đó, Ai Cập (đồng minh của Liên Xô) đang có chiến tranh với Israel. Khi đó, Không quân Israel là lực lượng tinh nhuệ và trang bị hiện đại bậc nhất ở Trung Đông, được Mỹ ưu tiên viện trợ cho cả tiêm kích hạng nặng F-4 Phantom (loại tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ khi đó). Trước khi bắt đầu hoạt động chính thức, năm 1971, Liên Xô quyết định "thử lửa" cho MiG-25 bằng cách triển khai một nhóm MiG-25 tới Ai Cập để giúp nước này trinh sát hệ thống phòng thủ của Israel ở bờ đông bán đảo Sinai. 4 chiếc MiG-25 của Liên Xô đã hoạt động tạm thời trong Không quân Ai Cập vào năm 1971 dưới vỏ bọc tên gọi "X-500". Hai trong số đó là MiG-25R phiên bản thuần trinh sát, 2 chiếc còn lại là mẫu MiG-25RB có khả năng do thám kiêm tấn công đối phương. Cả bốn chiếc đều có dấu hiệu của không quân Ai Cập.

Nhiệm vụ trinh sát đầu tiên được thực hiện vào ngày 10/10/1971, hai chiếc MiG-25 bay tới biên giới Israel - Lebanon ở độ cao 21.300 mét, chỉ cách bờ biển Israel khoảng 27 km. Không quân Israel (IAF) đã cử nhiều máy bay F-4 Phantom lên đánh chặn nhưng không thành công. Tới tháng 11, IAF chuẩn bị hai chiếc F-4 được tháo toàn bộ thiết bị không cần thiết, giúp chúng đạt độ cao đủ để tấn công MiG-25. Phi công Israel phóng tên lửa AIM-7 Sparrow về phía chiếc MiG-25, nhưng quả tên lửa không thể bắt kịp tốc độ hơn 3.700 km/h của MiG-25, chiếc MiG-25 trở về an toàn. Việc không thể đánh chặn MiG-25 khiến quân đội Israel tức giận, họ triển khai các nhóm F-4 Phantom tuần tra gần sân bay Cairo-West của Ai Cập để hạ MiG-25 khi chúng vừa cất cánh. Trong một nhiệm vụ, đã có tới 48 máy bay Israel xuất kích để tìm cách bắn hạ chiếc MiG-25, nhưng vẫn không thành công.[9]

MiG-25 bay theo đội hình 2 chiếc, ở tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh (3.700 km/h), MiG-25 chỉ cần hai phút để bay hết chiều dài chiến tuyến dọc theo kênh đào Suez phân chia Ai Cập và Israel. Mỗi tháng MiG-25 có 2 chuyến trinh sát, và đã bay qua Israel khoảng 20 lần. Năm 1973, một chiếc MiG-25R đã đạt đến tốc độ Mach 3.2 trong khi đang bị những chiếc F-4E của Israel bám đuổi.[7] Tổ hợp tên lửa phòng không Raytheon Hawk mà Israel mua của Mỹ cũng vô dụng với MiG-25, vì chúng chỉ có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao tối đa là 12.200 mét.

Không quân Israel đã không thể tìm được cách nào để ngăn chặn những chiếc MiG-25, dù tình báo của Israel luôn biết trước được lịch bay qua không phận Israel của MiG-25. Tới giữa tháng 7/1972, những chiếc MiG-25 đã trở về Liên Xô. Thành công từ nhiệm vụ này khiến quân đội Liên Xô quyết định biên chế MiG-25 vào không quân. Và sau đó những chiếc Foxbat trinh sát này lại được gửi trở lại Ai Cập vào tháng 10-1973, ngay sau Chiến tranh Yom Kippur, và tiếp tục ở lại vào năm 1974.[10] Không quân Israel không có khả năng ngăn chặn những chiếc MiG-25 cho đến khi họ được trang bị loại F-15 Eagle.

Trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Israel lâm vào thế thất bại, trong lúc nguy cấp nữ Thủ tướng Golda Meir của Israel đã mất kiềm chế và ra lệnh đặt toàn bộ kho vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu (trong tay Israel đã có 18 quả bom hạt nhân). Cũng trong ngày hôm đó, các chi nhánh tình báo của KGBGRU (tình báo quân sự Liên Xô) tại Trung Đông đã biết quyết định của Thủ tướng Meir.

Ngày 10/10/1973, Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ Đảng cộng sản Liên Xô tán thành “Kế hoạch hành động buộc Israel từ bỏ việc tiến hành tấn công hạt nhân” (Kế hoạch cưỡng bức) do Giám đốc KGB Yuri Andropov đệ trình lên. Ngày 13/10/1973, Phó chỉ huy của trung đoàn không quân tiêm kích, Thiếu tá Alexander Danilovich Vertievets, được lệnh cất cánh. Chiếc MiG-25 của Vertievets bay thẳng vào không phận Tel Aviv (thủ đô Israel) như một cách để Liên Xô cảnh báo Israel không được dùng vũ khí hạt nhân. 3 chiếc tiêm kích Mirage của Israel cất cánh để ngăn chiếc MiG-25, song không thể bắt kịp vì tốc độ của đối phương nhanh gấp 2 lần. Biên đội Mirage bắn tên lửa không đối không Hokami, nhưng tất cả tên lửa bắn ra đều không thể tiêu diệt được mục tiêu. Chiếc MiG-25 không bỏ đi mà còn bay vòng lại, lượn vòng tròn trên không phận Tel Aviv nhằm thể hiện uy thế kỹ thuật vượt trội. Với độ cao 20 km và vận tốc 3.000 km/h, chiếc MiG-25 tỏ ra không hề sợ bị bắn hạ. Thêm 1 biên đội F-4 Phantom được Israel cử lên, nhưng chúng cũng bất lực trong việc bắn hạ chiếc MiG-25. Sau khi lượn 6 vòng tròn trên bầu trời thành phố, chiếc MiG-25 bay trở về Liên Xô. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã tới gặp Thủ tướng Meir để báo cáo về “sự cố” trên bầu trời Tel Aviv, và bắt gặp bà Thủ tướng đang đọc lá thư của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô. Sau đó, Israel buộc phải “điều chỉnh lại cuộc hành quân”, từ bỏ kế hoạch dùng bom hạt nhân. Năm 1973, Alexander Danilovich Vertievets, người thực hiện chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv, đã được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô[11].

Không chiến

MiG-25 cũng phục vụ trong Không quân Iraq trong suốt thời gian cuộc chiến tranh Iran-Iraq, nhưng kết quả khó được kiểm chứng. Phi công MiG-25, trung úy Mohommed "Sky Falcon" Rayyan của Iraq được tuyên bố đã bắn hạ 10 máy bay địch, tám trong số đó là bởi MiG-25P từ 1981 tới 1986.[12] Iraq tuyên bố 19 máy bay Iran, cộng thêm 4 máy bay nước khác đã bị hạ bởi MiG-25, trong khi họ bị mất 3 chiếc MiG-25.

Năm 1991 khi xảy ra Chiến tranh vùng Vịnh, một chiếc F/A-18 của Hải quân Mỹ do phi công Speicher điều khiển đã bị bắn hạ trong đêm đầu của cuộc chiến bởi một tên lửa không đối không[13] được bắn ra từ một chiếc MiG-25.[14] Theo tường trình thì vụ bắn hạ F/A-18 là do tên lửa R-40DT bắn từ một chiếc MiG-25PDS do phi công Zuhair Dawood thuộc phi đội số 84 của Không quân Iraq thực hiện.[15] Sự kiện này đã khiến MiG-25 là máy bay duy nhất sau Chiến tranh Việt Nam đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Mỹ trong thời gian chiến tranh.

Trong một sự kiện khác, 1 chiếc MiG-25PD của Iraq, sau khi tránh né 8 chiếc F-15 của Không quân Mỹ đã bắn 3 tên lửa vào máy bay tác chiến điện tử EF-111 Raven, khiến EF-111 này phải từ bỏ nhiệm vụ của mình. Điều này có thể dẫn đến việc mất một chiếc F-15 do bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không, vì thiếu gây nhiễu điện tử.[16]

Trong trận Không chiến Samurra (30/1/1991), 2 chiếc MiG-25 đã tiếp cận 2 chiếc F-15 và bắn tên lửa. 1 chiếc F-15 bị trúng tên lửa và bị hư hại nặng (cháy 1 động cơ) nhưng không rơi. Sau đó, 2 chiếc MiG-25 đã sử dụng tốc độ bỏ xa những chiếc tiêm kích của Mỹ, 2 chiếc F-15 khác cũng đã tham gia truy đuổi những chiếc MIG-25, tổng cộng đã có 10 tên lửa không đối không bắn vào 2 chiếc MiG-25, không quả nào bắn trúng MiG-25.[17] Theo cùng nguồn tin, ít nhất 1 chiếc F-111 cũng bị buộc phải từ bỏ nhiệm vụ bởi một 1 chiếc MiG-25 trong 24 giờ đầu của cuộc chiến, trong một không kích vào Tikrit.[18]

2 chiếc MiG-25 đã bị hạ bởi những chiếc F-15C của Không quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Vùng Vịnh. Sau chiến tranh vào năm 1992, F-16 của Hoa Kỳ đã hạ một chiếc MiG-25 khi nó bay vào vùng cấm bay do Hoa Kỳ lập ra ở miền Nam Iraq.

Cũng trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991, Iraq ghi nhận 1 chiếc F-15C của Ả Rập Saudi đã bị bắn hạ bởi MiG-25 của họ bằng tên lửa R-40D[19].

MiG-25 chôn dưới cát của Iraq bị quân đội Mỹ tịch thu

Vào ngày 23-12-2002, một chiếc MiG-25 của Iraq đã bắn hạ một chiếc máy bay không người lái MQ-1 Predator của không quân Mỹ, chiếc máy bay này được trang bị tên lửa và có nhiệm vụ thăm dò đối với Iraq. Đây là lần đầu tiên sau chiến tranh Việt Nam mà một máy bay chiến đấu có người lái và một máy bay không người lái đụng độ nhau. MQ-1 Predator được trang bị tên lửa không đối không AIM-92 Stinger, và nó được dùng để làm "mồi nhử" đối với máy bay chiến đấu của Iraq, sau đó nó sẽ tẩu thoát. Trong trường hợp này thì chiếc máy bay không người lái lại không chạy trốn mà nó đã bắn trả bằng một trong những quả tên lửa Stinger, nhưng MiG-25 đã né được quả tên lửa, còn quả tên lửa từ chiếc MiG-25 thì không hề trượt mục tiêu.[20]

Không một chiếc máy bay chiến đấu nào của Iraq được sử dụng trong cuộc tấn công năm 2003, đa số đã được giấu dưới mặt đất hoặc bị phá hủy tại nhà kho. Vào tháng 8-2003, vài tá máy bay Iraq đã được phát hiện chôn dưới cát, bao gồm 2 chiếc MiG-25 đã được chở bằng xe gửi đến Bộ phận công nghệ tại nước ngoài bằng một chiếc C-5B Galaxy. Vào tháng 12-2006, người ta công bố một chiếc MiG-25 được tặng cho Bảo tàng không quân Quốc gia Mỹ tại Dayton, Ohio.[21]

Vào tháng 5-1997, một chiếc MiG-25RB của Không quân Ấn Độ đã bay vượt vận tốc Mach 3 ở quãng đường ít nhất là 65.000 ft, khi đang bay qua lãnh thổ của Pakistan. Theo báo cáo thì đây là một nỗ lực có suy nghĩ bởi không quân Ấn Độ để trình diễn những khả năng của MiG-25 mà Không quân Pakistan không thể sánh kịp.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mikoyan-Gurevich MiG-25 http://www.cbsnews.com/stories/2003/04/25/tech/mai... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=980... http://vayu-sena.tripod.com/other-1997mig25-1.html http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/lichsuvukhi/Ti... http://www.youtube.com/watch?v=WoPfRd3p9gk http://www.foia.cia.gov/docs/DOC_0000588922/000058... http://aeroweb.lucia.it/~agretch/RAFAQ/MiG-25.html http://www.nationalmuseum.af.mil/shared/media/phot... http://www.atwar.net/download.php?view.174 http://www.vectorsite.net/avmig25_1.html#m4